Nuôi biển - Trụ cột phát triển bền vững kinh tế thủy sản (01-07-2024)

Để bảo tồn không gian biển và nguồn lợi thủy sản, toàn ngành Thủy sản sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính là: giảm khai thác, tăng cường nuôi trồng và bảo tồn biển.
Nuôi biển - Trụ cột phát triển bền vững kinh tế thủy sản
Ảnh minh họa

Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 09/5/2024 đã đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau: 27 khu bảo tồn biển được thành lập và hoạt động hiệu quả với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 463.587 ha, chiếm khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. 149 khu vực ở vùng biển (trong đó: 59 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 63 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, 27 khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản) và 119 khu vực nội địa (66 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 53 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn) được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống của các loài thủy sản.

Đáng lưu ý, định hướng quy hoạch khai thác thủy sản sẽ giảm dần sản lượng thủy sản khai thác, điều chỉnh tỷ trọng sản lượng khai thác giữa các vùng biển, phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản; khai thác có chọn lọc các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, điều chỉnh số lượng tàu cá khai thác thủy sản, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản ở các thủy vực vùng nội địa, vùng biển phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản (đặc biệt giảm tỷ trọng nghề lưới kéo trên biển); gắn phát triển sinh kế của cộng đồng ngư dân với phát triển nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái, nghề cá giải trí.

Thực tế trong những năm qua, với những bước phát triển mạnh mẽ, thủy sản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Trong giai đoạn 2010 – 2020, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng trưởng 4-5%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần; kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trung bình khoảng 6,1%/năm. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,26 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 5,4 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 9,2 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí thứ ba trên toàn thế giới, đứng sau Trung Quốc và Na Uy.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Kết quả này đã đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống, tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 4 triệu người dân, đặc biệt là đối với cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản ở các tỉnh ven biển và trong nội địa. Cùng với đó, sự hiện diện của tàu cá và ngư dân trên các vùng biển, đảo góp phần quan trọng trong giữ vững chủ quyền, an ninh biển, đảo của tổ quốc.

Mặc dù đã đạt những được thành tựu nhưng mục tiêu bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như vấn đề khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), sự suy giảm nguồn lợi thủy sản cả vùng biển và vùng nội địa do tình trạng khai thác quá mức cho phép. Cùng với đó, cơ cấu nghề khai thác chưa phù hợp, vẫn còn hiện tượng tàu khai thác ở vùng biển ven bờ với ngư cụ gây hủy diệt nguồn lợi thủy sản, khai thác không theo mùa vụ; tổn thất sau thu hoạch khai thác còn cao, trang thiết bị an toàn tàu cá chưa đảm bảo. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đồng bộ; tranh chấp chủ quyền trên vùng biển ảnh hưởng đến khai thác hải sản; trữ lượng thủy sản nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái suy giảm.

 “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản” cũng đặt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản”, Bộ NN&PTNT cần nguồn lực và định chế tổ chức bộ máy. Việc có một khu bảo tồn biển cần phải có bộ máy quản lý riêng biệt. Hiện tại, với mục tiêu tinh giản các đơn vị sự nghiệp theo Nghị quyết 18, 19, tổ chức bộ máy chi cục thủy sản ở địa phương và cấp huyện không đủ nhân lực để bảo tồn không gian biển. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ để đảm bảo nguồn nhân lực và nguồn lực tài chính cần thiết.

Lấy ví dụ tại Hòn Yến (Phú Yên) là một trong những mô hình tương đối thành công. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT mong muốn những mô hình này sẽ trở thành một xung lực mới cho bảo vệ nguồn lợi thủy sản. “Bao nhiêu luật lệ, bao nhiêu hướng dẫn hay bao nhiêu thông thư thậm chí quy định từng kích thước mắt lưới cũng không thể thành công, nếu không có bà con ngư dân. Bà con ngư dân cần xem đây là câu chuyện của mình, trong làng trong xóm, trong cộng đồng khi liên quan đến bảo tồn biển. Hơn nữa, hoạt động bảo tồn do con người tạo ra và duy trì, nếu không tạo ra được sinh kế cho những người xung quanh vùng bảo tồn sẽ không thành công”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. 

Để bảo tồn nguồn lợi thủy sản thành công, cần chú trọng việc tạo ra sinh kế bền vững cho người dân sống quanh khu vực bảo tồn. Chỉ khi người dân thấy được lợi ích thiết thực và giá trị của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, họ mới thực sự tham gia và nỗ lực bảo tồn. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, câu chuyện giữ rừng, giữ biển ở Cù lao Chàm là một trong những khu bảo tồn biển và trở thành một biểu tượng thành công nhất trong hoạt động quản lý biển ở Quảng Nam. Đây có thể là gợi ý cho các địa phương có cách tiếp cận khác ngoài nguồn lực nhà nước, đó là tiếp cận nguồn lực từ cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Trước khi có Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD. Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và thủy sản của Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng ngành thủy sản trở thành một ngành kinh tế có quy mô lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có khả năng cạnh tranh cao.

Lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, trọng tâm để tiếp cận chuỗi giá trị từ nuôi trồng đến khâu chế biến xuất khẩu thủy sản, hướng đến chuẩn quốc tế và phát triển bền vững

Trong 60 năm qua, thủy sản là ngành tiên phong kiến tạo nền sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn và đã được minh chứng. Trong đó, doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò là nòng cốt để tiếp cận các chuỗi giá trị, thiết lập liên kết dọc từ khai thác, nuôi trồng thủy sản đến bảo quản, chế biến, xuất khẩu và đã từng bước đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến phát triển ổn định, bền vững. Đặc biệt, Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 và Chính phủ đã ban hành Nghị định 37/2024/NĐ-CP  sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017; trong đó có những quy định đặt cơ sở pháp lý vững chắc cho việc chuyển từ “Nghề cá nhân dân” sang “Nghề cá thương mại bền vững”.

Song song với các giải pháp, việc cụ thể hóa Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021, phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trên cơ sở xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô hàng hóa lớn, định hướng thị trường, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; thu hút nguồn lực các thành phần kinh tế. Trong đó, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm để chủ động trong nuôi biển, hạn chế khai thác bất hợp pháp “IUU”, hướng tới giảm sản lượng khai thác thủy sản còn 2,8 triệu tấn/năm, tăng cường phát triển nuôi trồng thủy sản đạt sản lượng đến 7 triệu tấn/năm vào năm 2030, chiếm trên 70% tổng sản lượng thủy sản của cả nước.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương cần phải có chiến lược cụ thể, rõ ràng để làm sao phát triển nuôi trồng thủy sản biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa lớn, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản ở tầm cỡ quy mô công nghiệp, đặc biệt ở các vùng biển mở, nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn phục vụ cho chế biến xuất khẩu, cũng như tiêu thụ nội địa.

Đánh giá ở góc độ khoa học và công nghệ, với trình độ công nghệ hiện nay, các quốc gia có thể phát triển nuôi cá biển với 0,1% diện tích vùng đặc quyền kinh tế của mỗi quốc gia thì đã có thể cho năng suất từ 9.900 đến 11.600 tấn/năm. Như vậy, trên khoảng 0,1% diện tích vùng của nước ta (tức 1000 km2), Việt Nam có thể nuôi được 10 triệu tấn cá biển mỗi năm, chưa kể hàng triệu tấn các loài hải sản khác, như: nhuyễn thể, rong biển, động vật da gai…

Đảm bảo quy tụ đủ “4 nhà”

Hiện nay, nghề nuôi biển ở Việt Nam vẫn chủ yếu dừng lại ở trình độ thủ công, truyền thống. Do đó, để phát triển mô hình nuôi biển ổn định và bền vững phải quy tụ đủ “4 nhà” gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông - doanh nghiệp và ngân hàng - bảo hiểm. Sở dĩ việc phải quy tụ đủ “4 nhà” là nhằm mục đích thay đổi cơ bản phương thức tổ chức sản xuất mà bấy lâu nay ngành nông nghiệp nói chung và nuôi biển nói riêng vẫn chưa thực hiện được.

Vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đặc biệt, để hiện thực hoá “đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”, đã được thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021, thì việc đảm bảo quy tụ đủ “4 nhà” là yếu tố then chốt dẫn đến thành công. Trong đó, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, trọng tâm để thiết lập liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị, một mặt để đảm bảo ổn định, an toàn từ khâu con giống đến nuôi thương phẩm và một mặt đáp ứng được tiêu chí từ khâu chế biến cho đến xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa.

Về nhiệm vụ trọng tâm, bà Nguyễn Thị Phỉ (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH SYA QUA-AND) cho rằng, đã đến lúc Nhà nước cần khẩn trương thực hiện quy hoạch vùng nuôi; giao các khu vực biển nhất định với thời gian dài cho các hộ ngư dân thuê (theo Luật Thủy sản 2017 là đến 30 năm và có thể gia hạn thêm 20 năm); đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích người dân và doanh nghiệp thành lập mô hình hợp tác xã để phát triển nuôi biển theo phương thức công nghiệp, công nghệ cao để đảm bảo chất lượng cung ứng cho thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Đối với nhà khoa học, nghiên cứu khoa học kỹ thuật đối với các yếu tố về môi trường, phương thức, điều kiện nuôi từ con giống cho đến nuôi thương phẩm để hạn chế rủi ro không đáng có cho người dân. Đối với ngân hàng, bảo hiểm cần chia sẻ với người dân và doanh nghiệp trong việc hỗ trợ vay nguồn vốn ưu đãi để người dân có cơ hội tiếp cận, đầu tư, thay đổi phương thức nuôi, thay đổi vật liệu lồng nuôi truyền thống sang vật liệu HDPE để đảm bảo trong quá trình nuôi an toàn, giảm thiểu tác hại môi trường.

Ngọc Thúy (theo VSA)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác